Tây Xuất Ngọc Môn – Chương 27

27. Răng Sún hoảng sợ ngã bệt xuống, dùng cả tay cả chân mà lùi ra. Một cơn gió mạnh thốc qua, lúc này thi thể Hôi Bát rốt cuộc cũng đổ xuống.

Sau một thoáng yên lặng, cả đám người lúc này hoàn toàn rối loạn. Có tên run như cầy sấy, có tên lại như phát điên bán sống bán chết lao ra ngoài. Răng Sún lúc này mới có phản ứng lại, gào lên: “Đừng chạy, quay lại ngay. Mọi người phải ở cạnh nhau.”

Gã gào rát họng nhưng vẫn có hai tên cắm đầu chạy mất hút.

Xương Đông lạnh cả người. Đây là lần đầu tiên anh tận mắt nhìn thấy một người đổ máu mất mạng ngay trước mắt mình. Chuyện đoàn Sơn trà năm đó tuy thê thảm nhưng đều bởi thiên tai, anh lại mất ý thức, cũng không thấy cảnh đầm đìa máu tươi như vậy.

Anh thấy hơi buồn nôn, theo bản năng lùi lại hai bước. Diệp Lưu Tây quay sang Răng Sún nói: “Cậu, cả cậu nữa, khiêng xác đi đi.”

Răng Sún sửng sốt vâng dạ, cứ thế làm theo.

Diệp Lưu Tây mượn đèn pin của Xương Đông đi tới xem xét chiếc xẻng vừa bay tới. Bởi sử dụng thường xuyên nên lưỡi xẻng hình trăng non được mài sắc lẻm đến mức phát sáng được, nghĩ cũng phải, ngay cả đất nhiễm phèn cứng vậy cũng chém vào được thì muốn chém đầu người cũng chẳng khó khăn gì, chỉ một tích tắc ấy là đủ.

Nhưng kỳ quái là xẻng dù sao cũng không phải phi đao, lại nói góc độ cúi người của Hôi Bát, muốn từ cách xa vài thước ném xẻng bay tới, lại chính xác cắt ngang yết hầu… chuyện này ai mới có thể làm nổi?

Chẳng lẽ là thứ đêm trước túm lấy Đường mập? Dường như nó không muốn người ta mở quan tài ra. Hiện tại nó trốn ở góc nào, sau khi đắc thủ đã chuồn đi mất hay vẫn rình rập chờ cơ hội ra tay?

Diệp Lưu Tây đứng lên, nhất thời hơi sợ hãi. Mãi cho tới khi Xương Đông gọi cô qua xem bức họa trên mặt quan tài.

Bức ảnh Đường mập đưa cho anh xem chỉ là một phần nhỏ. Bức tranh này hoàn chỉnh hơn, vẽ một đoàn người rất dài đang đi trên đường. Đa số người đều bị gông xiềng, binh lính ngồi trên lưng ngựa hung hãn vung roi da, dường như thúc giục đội ngũ đi nhanh hơn một chút.

Tất cả đều hướng về một cánh cổng cao lớn đóng kín.

Đây là Ngọc Môn quan sao?

Sự chú ý của Xương Đông cũng không hoàn toàn đặt lên bức tranh. Anh không kiềm được mà hỏi Diệp Lưu Tây: “Cô đối với chuyện chết người này không có phản ứng gì sao?”

“Để ý thì có lợi gì, hắn chết thì cũng chết rồi.”

Xương Đông cảm thấy không hợp lý: “Tôi nói không phải chứ… nhìn phản ứng của cô thì trước kia hẳn là gặp qua người chết không chỉ một lần đâu.”

Có khả năng. Nhưng trước mắt cô quan tâm bức tranh trên quan tài này hơn: “Tranh này… là vẽ Ngọc Môn quan sao?”

Xương Đông đáp: “Khả năng cao là vậy, cái bài ca vừa rồi có nhắc đến ‘kim ốc tàng kiều’ – đây là điển cố về Hán Vũ Đế. Hơn nữa Ngọc Môn quan cũng là do Hán Vũ Đế mở ra thông tới Tây vực vào thời điểm thiết lập Hà Tây tứ quận. Đường mập có nói tranh này vẽ theo phong cách thời Hán. Tôi nghĩ đây là vẽ lại cảnh lưu đày tội nhân ở triều Hán.”

Cụ thể thế nào thì Xương Đông cũng không nói thêm được: “Nên đi hỏi Đường mập, hắn buôn đồ cổ, đối với điển tích lịch sử đều thuộc làu.”

Diệp Lưu Tây đưa ngón tay gõ lên mặt quan tài. Chất gỗ khá dày, không như vỏ dưa – gõ vào là biết ngon hay dở.

Cô trầm ngâm: “Bài hát kia tôi từng ngâm qua. Cái rương này chắc là tôi mở được.”

Xương Đông theo bản năng liếc qua thi thể Hôi Bát, hiện tại đã nằm chung với hai cỗ thi thể khác. Mới trước đó thôi còn phân kẻ đứng đầu kẻ là tay sai phía dưới, hiện tại thì đều nằm đó như nhau cả.

Diệp Lưu Tây nhìn ra tâm tư của anh, trấn tĩnh nói: “Không sao đâu. Tôi đây không bị treo cổ chết vậy đến lúc có chết thật thì cũng phải chết một cách thật đặc biệt. Cái kiểu bị xẻng cắt đứt đầu này tôi không nhận đâu.”

Cô đứng lên, một bàn tay đặt trên cái quan tài.

Gió nổi lớn, tạo cảm giác con bọ cạp nơi khóe mắt cô sinh động như thật. Tim Xương Đông đập mạnh, trực giác cảm thấy cô sẽ không gặp chuyện gì, nhưng đồng thời lại lo lắng sẽ xảy ra chuyện gì đó ngoài ý muốn.

Diệp Lưu Tây lại chẳng thèm để ý: “Xương Đông, anh đoán xem, trong quan tài là vàng bạc tài bảo hay thi thể Khổng Ương? Hay lại là thi thể của một ‘tôi’ khác?… Tôi là tôi thích trường hợp cuối đấy. Như vậy sẽ kích thích lắm.”

Cô hơi dùng sức, một tay xốc nắp quan tài lên.

Vừa đập vào mắt, trong đầu cô liền nảy ra một ý nghĩ: Tốt, quả nhiên bà đây mở được quan tài.

Ý nghĩ thứ hai là: Hôi Bát này bỏ mạng cũng thật uổng.

Xương Đông cũng không nghĩ tới trong quan tài lại là mấy con rối da mặc đủ mũ mạo.

Gọi là con rối da cũng không đúng lắm, vì để tiện điều khiển mà con rối thông thường cũng không lớn, chỉ khoảng 30cm. Con rối da lớn nhất anh từng thấy chính là búp bê da trâu ở Thanh Hải, song kích cỡ cũng không tới một thước.

Còn con rối trước mắt cao ngang người, khuôn mặt điêu khắc theo phong cách phía đông Thiểm Tây, gương mặt mỗi con một kiểu, thân thể và tứ chi đơn giản đến thô ráp, chỉ có hình dạng đại khái. Các đốt ngón tay được khâu nối, có thể lắc lư hoạt động, có điều phía sau chẳng có dây móc, cũng chẳng có thanh điều khiển.

Xương Đông lục xem bên dưới, tổng cộng có chín con rối, đều là nam nhân mặc bào sam trên đầu hoặc đội mũ hoặc quấn khăn, chân đeo ủng. Có điều vì thân thể chúng chỉ là mảnh da mỏng manh trong khi quần áo giày nón có cấu tạo bình thường nên mặc vào nhìn khá quái dị.

Diệp Lưu Tây nhíu mày: “Đây là cái quái gì? Mộ chôn quần áo di vật à?”

Xương Đông lắc đầu: “Chưa từng nghe qua mộ chôn quần áo di vật còn cả con rối da, còn có tới chín con. Chưa kể cái này đâu có giống quan tài.”

Ngoại trừ hình dáng và kích thước giống quan tài thì anh thấy thứ này càng giống rương chứa đồ chiếu rối bóng.

… âm thanh ngâm nga dần dần cũng ngừng lại. Răng Sún đánh bạo nhìn vào quan tài một chút: bỏ công bỏ sức, đổ máu chết người chẳng lẽ nhìn một cái cũng không được. Có điều nhìn xong gã lại càng thất vọng.

Gã ngập ngừng nói: “Chuyện này… chúng ta hay là quay về đi? Ngộ nhỡ lại…”

Lời này quả thực nhắc nhở Xương Đông. Quan tài nặng như vậy không dễ chuyển đi, mà cũng chẳng ai thừa hơi đem nhét vào chỗ cũ, hơn nữa mấy thứ con rối da quỷ dị mang quần áo này… anh cảm giác không muốn động vào. Anh nhờ Diệp Lưu Tây chiếu sáng, chính mình cầm di động ra chụp lại tất cả.

Chụp xong, Xương Đông khép quan tài lại.

Răng Sún thở phào nhẹ nhõm, quát lên với mấy tên còn lại: “Còn không đi? Ở lại chờ chết à?”

Mấy tên kia sớm đã sợ hồn xiêu phách lạc, run rẩy chạy đi như có người đuổi. Xương Đông vội lớn tiếng gọi: “Đứng lại đã.”

Anh chỉ vào ba cỗ thi thể: “Thi thể này các cậu cứ để thế à?”

Răng Sún cứng người, nhìn qua sắc mặt đám còn lại, cảm thấy nếu nói không cẩn thận thì khó mà khiến chúng phục tùng: “Không phải bọn em mặc kệ nhưng hiện tại không đủ người. Nửa đêm rồi, ai dám cõng xác đem về chứ. Lại còn chẳng biết những người lưu lại lều ra sao. Dù sao cũng nên quay về xem xét bàn bạc một chút, sáng mai quay lại thu xếp vậy.”

Lập tức có kẻ hưởng ứng: “Đúng, đúng, để sáng mai chạy xe qua thu xếp.”

“Đi nhanh thôi, nơi này kỳ quái tà ma bỏ mẹ.”

Xương Đông cười lạnh: “Vậy những người kia thì sao? Còn hai người chạy đi mất, các cậu tính thế nào?”

“Đợi trời sáng rồi đi tìm. Đồi Bạch Long như mê cung, trời đất tối như mực, cũng chẳng ai thuộc đường, tôi cũng chẳng thể ép họ được.”

Xương Đông đi tới bên cạnh Răng Sún, đặt tay lên vai hắn, ẩn ý nói : “Hy vọng cậu nói được làm được.”

Răng Sún vùng ra khỏi tay anh, hơi rít qua kẽ răng: “Đi thôi.”

Xương Đông lạnh mắt nhìn chúng rời đi, Diệp Lưu Tây cũng tiến lại: “Anh tốt bụng đến vậy à, muốn quản cả người chết lần người chạy. Người ta xưng anh em huynh đệ với nhau còn chẳng làm.”

Xương Đông trả lời: “Nói vài câu thôi, chẳng tốn bao nhiêu sức lực.”

Anh quay đầu nhìn tới ba cỗ thi thể, sau đó nhặt mấy tấm bao bố lên che mặt họ lại.

Trước khi bức ảnh Khổng Ương xuất hiện ở chỗ Diệp Lưu Tây, anh đã luôn cho rằng năm đó vụ Sơn trà đen là do thiên tai; thi thể Khổng Ương và các đội viên khác bị cát vàng vùi lấp, và biết đâu một ngày nào đó bão cát sẽ lại để lộ ra, phơi thân nơi hoang dã.

Anh hi vọng khi đó nếu có người đi qua tình cờ trông thấy, mặc dù có thể không nhặt xác vì phiền toái nhưng ít nhất cũng sẽ giữ lại cho người chết một chút tôn nghiêm – giống như anh đang làm hiện tại.

Nơi cắm trại vẫn yên ổn, không phát sinh chuyện gì. Đám Răng Sún quay về trước, cũng chẳng nói ngay chuyện Hôi Bát gặp nạn mà chỉ nói công việc quá nhiều, phải làm xuyên đêm. Bọn chúng về trước nghỉ ngơi, sáng mai lại đi thay ca.

Xương Đông gọi Đường mập ra.

Đường mập trong lòng cảm thấy chuyện không đúng lắm nên thấp giọng hỏi: “Đông ca, xảy ra chuyện gì rồi đúng không anh?”

Xương Đông liếc nhìn hắn, hỏi: “Sao cậu lại hỏi thế?”

“Răng Sún đưa mấy tên kia về, tình trạng hệt như em đêm trước vậy, ánh mắt dại hết ra, còn run lẩy bầy nữa.”

Xương Đông nói: “Đúng là xảy ra chuyện, những người không quay về chết một nửa, một nửa mất tích.”

Đường mập cả người lạnh ngắt, đứng đơ ra. Xương Đông cũng không chờ hắn, một lát sau Đường mập mới chầm chậm chạy theo, lên sau xe ngồi vào chỗ mới phát hiện chân mình vẫn luôn run rẩy.

Diệp Lưu Tây lướt xem ảnh trong điện thoại, thấy Đường mập tới liền đưa di động cho hắn: “Cậu nhìn qua thử xem có manh mối gì không?”

Đường mập đáp lời, tự trấn định lại xem xét bức ảnh đầu tiên: “Cái này là phong cách vẽ thời Hán, hay gặp trong các ngôi mộ, có liên hệ rất lớn tới việc cúng tế.”

Hắn lướt qua vài tấm, nhìn tới con rối da.

Xương Đông hỏi hắn: “Y phục này cũng là Hán triều?”

Đường mập xem xé tỉ mỉ rồi khẳng định chắc nịch: “Không, là Đường triều.”

Diệp Lưu Tây kỳ quái: “Chờ đã, tôi điểm lại đã: ý cậu là tôi là người hiện đại ở vùng gò đất yardang phát hiện bức họa đời Hán có phong cách vẽ trên quan tài, bên trong là con rối da mặc quần áo triều Đường?”

Đường mập nóng lòng thể hiện trước mặt cô, vội khẳng định: “Tây tỷ, em không nhầm đâu. Em là ai, là Đường mập đến từ Tây An đấy. Chị xem đi, áo choàng này này: tay áo tròn hẹp, dài vừa ngang đầu gối, đây chính là chịu ảnh hưởng từ Hồ phục. Nhìn này, người ta để cho nó mặc thành cổ lật – người triều Đường hay chạy theo mốt, thường mặc như vậy. Còn đây là mũ chóp, đây là quả khăn vấn đầu… Về triều đại chắc chắn không sai được.”

 Diệp Lưu Tây nhìn về Xương Đông: “Tôi cứ tưởng bài ca xướng kia là điển cố triều Hán, qua nửa ngày lại thành triều Đường à?”

Cũng không đúng, triều Đường mà lại thịnh hành vẽ tranh theo phong cách triều Hán sao?

Đường mập nghe không rõ, hỏi lại: “Bài ca xướng nào cơ?”

Xương Đông hơi do dự sau đó kể đại khái tình hình lúc đó cho hắn nghe. Tình huống hiện tại mà còn giấu diếm khiến người khác tưởng mọi thứ vẫn yên ổn thì chẳng khác gì đồng lõa phạm tội.

Đường mập nghe mà muốn rớt tim ra ngoài, phải tự nhéo vào eo để giữ mình bình tĩnh; lại tự nhủ không được sợ hãi, phải cho mọi người thấy mình hữu dụng ra sao. Hữu dụng thì mới được coi trọng.

Hắn lẩm nhẩm lời ca, trong đầu lại đột ngột nảy ra vài ý tưởng.

“Tây tỷ, bài ca này có chút quái quái.”

Diệp Lưu Tây hỏi hắn: “Chỗ nào?”

“Nếu nói tội phạm bị lưu đày ra ngoại quan Ngọc Môn quan thì không phù hợp với lịch sử. Thời điểm Hán Vũ Đế lập quận, bên ngoài Ngọc Môn quan là Tây Vực. Hoàng đế đối với quan ngoại hoàn toàn không nắm rõ tình hình nên mới phái Trương Khiên đi sứ.”

“Lưu đày tội phạm là đưa đến biên cương làm khổ sai chịu tội, tùy lúc gọi lại, sao đuổi ra ngoại quan được? Quan ngoại thời đó đều là Hung Nô, Hán Vũ Đế đâu có ngốc mà đem nhiều người như vậy đuổi qua đó cho Hung Nô sai sử, khác gì tặng không sức lao động đâu?”

Nghe cũng có lý, Diệp Lưu Tây gật đầu: “Cậu nói tiếp đi.”

Được cô tán thành, Đường mập càng phấn chấn: “Xuất quan một bước huyết chảy cạn – câu này có thể hiểu được, thời Hán coi Ngọc Môn quan là nơi hung hiểm, đi ra là mất mạng, nhưng phía sau còn có câu ‘Đâu màng ta lệ lã chã nhập quan’ có nghĩa kẻ này cũng không có muốn nhập quan…”

Nghe Đường mập giải thích như vậy Xương Đông cũng phản ứng lại.

“Ngọc Môn quan, quỷ môn quan, xuất quan một bước huyết chảy cạn, Người kim ốc tàng kiều tự mình khoái hoạt, đâu màng ta lệ lã chã nhập quan”

Bài hát xướng này thoạt nghe có thứ tự, nhưng sau khi nghiền ngẫm lại thấy đầy mâu thuẫn: Xuất quan mất mạng, nhập quan nước mắt như mưa. Hai chữ “đâu màng” nghe như biểu đạt sự oán giận, chứng tỏ ‘nước mắt như mưa’ không phải do cảm động mà rơi lệ.

Không muốn xuất quan chẳng muốn nhập quan là vì hận cái gì? Chẳng lẽ là muốn lên trời?